Tình tự là mối dây, sự bày tỏ, sự đồng điệu trong tình cảm. Chính mối dây tình cảm vô hình này đã kết nối tất cả các thế hệ môn sinh Vovinam lại với nhau mà nhiều đàn anh đã đặt tên là “tình Vovinam”.
- Vovinam Trảng Bom: Điểm sáng phong trào võ thuật tỉnh Đồng Nai
- Võ sư Flores đến thăm nhà Chánh chưởng quản môn phái Vovinam
Bởi nếu không có sự thân thiết, đồng điệu trong tình cảm, thì làm sao có thể lý giải được hình ảnh những người cùng “hệ Vovinam” cứ ráp lại với nhau là trò chuyện thân mật, vui vẻ dù khác màu da, chủng tộc, cách biệt về tuổi tác hoặc chỉ mới lần đầu gặp gỡ - một mối dây tình cảm rất đặc biệt mà không phải môn phái nào cũng có được.
[caption id="attachment_168640" align="aligncenter" width="960"] Ảnh: Lê Giang[/caption]1.”Tình Vovinam” đó đã được Sáng tổ Nguyễn Lộc xây dựng từ những ngày đầu nghiên cứu, sáng tạo hệ thống đòn thế Vovinam trên tinh thần kế thừa và phát triển truyền thống của dân tộc Việt Nam mà đầu tiên là tư tưởng nhân bản và tính hiếu hòa. Nhìn lại suốt quá trình lịch sử, hầu như dân tộc Việt Nam không gây chiến mà chỉ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ khi bị xâm chiếm. Đến khi chiến thắng nhà Minh, vua Lê Thái Tổ đã “cấp cho 500 chiến thuyền”, “phát cho vài ngàn cỗ ngựa” để tàn binh về nước như Tế văn hầu Nguyễn Trãi (1380-1442) đã ghi rõ trong Bình Ngô đại cáo.
Hoặc về sau này, dù đánh cho quân nhà Thanh “chính luân bất phản”, “phiến giáp bất hoàn”, vua Quang Trung vẫn sai sứ sang Tàu cầu phong. Đây cũng là sách lược của một dân tộc tự nhận thức được vị trí của mình, biết uyển chuyển ứng xử cương, nhu để giữ lấy giềng mối và hòa khí. Ngay cả chuyện vua quan nhà Lý mang quân đi đánh Chiêm Thành cũng chẳng qua do họ “không thông sứ và lại cứ quấy nhiễu vùng bể” (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Tân Việt, Saigon, 1964, tr.100).
[caption id="attachment_168641" align="aligncenter" width="2310"] Sáng tổ Nguyễn Lộc (giữa) và các môn đệ (khoàng 1955) trước Trung tâm Huấn luyện Hiến binh Quốc gia (Thủ Đức).[/caption]Vài ý vừa nêu trên là chuyện võ bị của quốc gia. Trở về với chuyện học võ trong dân gian, khi tìm thầy cho con cái mình học võ, các bậc cha mẹ ngày trước thường nói: “học vài miếng để phòng thân”. Rõ ràng, tư tưởng nhân bản, hiếu hòa đã thể hiện trong 2 chữ “phòng thân” mà ngày nay gọi là tự vệ. Nếu ngày trước ông cha chúng ta từng nói: “Đói là rau, đau là thuốc” (rau có thể dùng để ăn lúc đói, nhưng cũng có thể dùng làm thuốc uống khi bị bệnh) hoặc “Một công đôi ba chuyện” thì mục đích chính của tập luyện võ thuật nhằm rèn luyện sức khỏe và chỉ sử dụng võ trong trường hợp bị tấn công sau khi đã hết sức nhẫn nhịn.
Những tư tưởng tốt đẹp của dân tộc nêu trên đã thể hiện trong hệ thống căn bản đòn thế của Sáng tổ Nguyễn Lộc. Theo những môn đệ cao niên kể lại, thời Sáng tổ Nguyễn Lộc trực tiếp huấn luyện, các môn sinh được hướng dẫn các đòn căn bản (bao gồm cả vật, khóa gỡ) và những bài song luyện nhằm hóa giải sự tấn công của đối thủ. Tất nhiên, trong một vài tình huống khẩn cấp - đối thủ có thể gây thương tích hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng của mình thì môn sinh Vovinam vẫn có thể tấn công trước.
2. Như chúng ta đều biết, từ ngàn xưa, quy luật Âm Dương đã chi phối cuộc sống, sinh hoạt của dân tộc ta như: đũa một đôi và có đầu âm, đầu dương; nhà lợp ngói âm dương (một miếng ngửa lên, một miếng úp xuống), đồng tiền đúc bằng kim khí hình tròn có lỗ vuông ở giữa, trong gia đình muốn hạnh phúc phải “thuận vợ thuận chồng” hoặc chúc mừng bà mẹ mới sinh con bằng câu “mẹ tròn, con vuông”, v.v. Thậm chí, trong bộ Triết lý An Vi, linh mục, giáo sư Lương Kim Định (1915-1997) còn khẳng định: “…Việt tộc đóng dấu trên kinh Dịch, hay nói kinh Dịch là của Việt Nam cũng đồng một ý” (Dịch kinh linh thể, tr. 3, vietnamvanhien.net).
Biểu tượng của quy luật Âm Dương trong võ thuật là Cương Nhu và theo cách gọi của Vovinam Việt Võ Đạo là nguyên lý Cương - Nhu phối triển. Chính vì thế, phù hiệu Vovinam là sự kết hợp nửa trên hình vuông, nửa dưới hình tròn ghép lại, tượng trưng cho sự phối hợp của Âm - Dương, Cương - Nhu. Âm - Dương giao hòa, vạn vật mới biến hóa, sinh sôi nẩy nở. Cương - Nhu phối hợp mới có thể luồn lách, tránh né, tấn công hiệu quả, v.v.
Nguyên lý này cũng thể hiện trong hệ thống kỹ thuật của Vovinam với lối đánh 2 nhịp rất rõ ràng. Cụ thể như, lúc bị tấn công, môn sinh thường né tránh (nhu), rồi mới phản công (cương). Bên cạnh đó, Vovinam cũng có nhiều kỹ thuật tấn công nhưng vẫn đảm bảo nguyên lý này. Chẳng hạn như khi tung một cú đá tấn công hoặc phản công (cương) vào thân thể đối phương, võ sinh luôn luôn phải dùng tay che mặt và bảo vệ hạ bộ để thủ (nhu). Hoặc trong các thế liên hoàn chiến đấu, một vài cú đấm, đá ban đầu có thể xem như đòn hư, đòn ảo (nếu đối phương tránh né được) rồi mới đánh đòn thật sau cùng; như vậy, các đòn thế vừa mang tính liên hoàn, vừa khôn khéo vận dụng quy luật âm dương.
[caption id="attachment_168642" align="aligncenter" width="1412"] Đoàn Vovinam ở Festival Võ Thuật Thế Giới tại Hàn Quốc năm 2008.[/caption]Trong phương pháp luyện tập té ngã (không nguy hiểm, không đau), môn sinh Vovinam phải lên gân và co tròn thân người lại (cương), sau đó lăn tròn thân người lúc ngã xuống (nhu) để hóa giải lực tấn công của đối phương và sức rơi của trọng lượng cơ thể. Vận dụng phương pháp trên, môn sinh Vovinam có thể té ngã trên sàn gạch khi tập luyện.
3. Ở thời điểm khai môn, trong lúc hầu hết lời thiệu và đòn thế của nhiều võ phái cổ truyền ở Việt Nam đều sử dụng từ Hán-Việt (thí dụ như bài Thần đồng: “Chấp thủ thần đồng, Ngư ông tỳ thế, Sổ bộ xi phong…”, hoặc bàng long cước, thôi sơn, phương dực, v.v.) thì Sáng tổ Nguyễn Lộc đã đặt tên các đòn thế Vovinam bằng quốc ngữ. Những tên gọi như: gạt tay lối 1, chém lối 2, đấm thẳng, bóp cổ trước, đấm móc, đấm lao, đấm múc, đá thẳng, đạp hoặc khóa sau vòng gáy, xô ẩn đạp bụng, tát má đá gót, v.v. nghe rất hình tượng nhưng cũng thật dung dị, đơn giản, gần gũi và bất cứ người Việt Nam nào cũng hiểu chứ không cần phải giải nghĩa dài dòng! Những từ ngữ đó đã tiếp nối truyền thống Vật dân tộc qua những tên gọi thân thuộc như: miếng bốc, miếng sườn, miếng gồng, miếng bò, v.v. Đến lúc Vovinam được quảng bá ra nước ngoài (đầu tiên là tại Pháp quốc vào cuối năm 1974), nhiều võ sư, huấn luyện viên người Việt Nam hiện đang hướng dẫn môn võ này ở Pháp, Australia, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Canada, Tây Ban Nha, Italia, Nga, v.v. đã bày tỏ: “Chúng tôi rất xúc động và tự hào khi nghe các môn sinh người phương Tây hô tên đòn thế Vovinam bằng tiếng Việt dù giọng còn hơi lơ lớ”. Tất nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ luôn linh hoạt, uyển chuyển và trong trường hợp cần thiết vẫn phải dùng từ Hán-Việt.
Hay như trong nghi thức “nghiêm lễ” - lối chào riêng của Vovinam - cũng thể hiện nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tư thế “nghiêm-lễ” - đứng thẳng, tay phải đặt lên tim mang ý nghĩa bàn tay thép (cương) đặt lên trái tim từ ái (nhu), nghĩa là người môn sinh Vovinam dùng võ để cảnh cáo người, giáo dục người chứ không phải trả thù người, vì vậy, người môn sinh Vovinam chỉ dùng võ khi đã đặt vào đó một tình thương. Và vẫn với tư thế đó, người môn sinh Vovinam nghiêng người, ngước mặt nhìn thẳng để chào người đối diện (tư thế “lễ”) đã thể hiện truyền thống lịch sự, khiêm tốn trong giao tiếp của các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
[caption id="attachment_168643" align="aligncenter" width="1408"] Gia đình vovinam sau giải vô địch thế giới 2009.[/caption]Nhưng vì sao khi môn sinh Vovinam nghiêng người chào lại hô là “lễ” chứ không phải hô là “chào” như nhiều đoàn thể hay môn võ khác? Lễ ở đây không chỉ mang ý nghĩa bình thường là lễ nghi, lễ phép. Theo bác sĩ, giáo sư Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (1921-2014), trong Đường vào Đạo học và Triết học (1989, Chương 6: Luật trời, luật người, tr.13/15, http://nhantu.net/) - Lễ là định luật thiên nhiên, là luật trời, ý trời. Định luật thiên nhiên, hay định luật tự nhiên này trong Nho giáo gọi là Lễ. Ngạn ngữ Việt Nam cũng có câu: “Biết luật trời, mười đời không khó’. Từ đó, cụ Nhân Tử khuyên mọi người cần phải “Sống đúng theo định luật tự nhiên; Không buông tuồng phóng túng; Biết trau dồi tâm thần cho ngày một thêm cao khiết, trang nghiêm; Nhường nhịn nhau, kính trọng lẫn nhau, lịch sự tử tế với nhau; sống theo những điều hay, lẽ phải thì sẽ đem lại cho mình một đời sống xứng đáng, sẽ tạo cho quốc gia, xã hội một quang cảnh hạnh phúc, đầm ấm, hòa hợp”. Tất cả những điều nêu trên không khác gì Đạo sống do môn phái Vovinam chủ trương đã được đúc kết ngắn gọn trong câu: “Sống (vivre), để cho người khác sống (laisser vivre) và sống cho người khác (vivre, c’est exister pour les autres)” mà một câu nói khác trong Anh ngữ cũng có ý tương tự: “Live, and let live”.
Đặc biệt, Sáng tổ Nguyễn Lộc rất là người khiêm tốn nên đã buộc các học trò gọi mình là “Anh Lộc”. Thật ra, cách xưng hô “anh - em” không phải là điều gì mới mẻ vì trong một số tổ chức khác (Hướng đạo, đạo Cao Đài, v.v.) cũng xưng hô như vậy. Tuy nhiên, cách xưng hô trong Vovinam lại có một ý nghĩa sâu sắc, đó là người anh dạy dỗ, hướng dẫn người em với tư cách “quyền huynh thế phụ” theo truyền thống của dân tộc Việt Nam bằng tất cả sự tận tâm, chăm sóc, yêu thương của một người anh ruột thịt trong gia đình. Dù không gọi bằng thầy, nhưng 2 chữ “anh-em” trong Vovinam được các môn đệ hiểu theo ý nghĩa “tình huynh đệ, nghĩa thầy trò”.
4. “Tình Vovinam” còn được vun đắp bởi tinh thần chung tay phát triển môn phái, phục vụ dân tộc và nhân loại của tất cả anh em môn sinh. Đó là hình ảnh những võ sư, huấn luyện viên trong nước vất vả vượt vài chục cây số đường núi, đường rừng trong cơn mưa gió tầm tã bằng xe gắn máy để đến các võ đường xa xôi; không hiếm võ sư, huấn luyện viên ở nước ngoài lái ô-tô từ bang này qua bang khác để chấm thi, tập huấn. Hoặc có những võ sư, huấn luyện viên vẫn đều đặn lên lớp vào buổi tối sau nhiều giờ làm việc cực nhọc ở cơ quan, xí nghiệp mà chẳng lấy của học trò một đồng học phí nào trong mấy chục năm qua. Rồi biết bao khó khăn, gian nan của những võ sư, huấn luyện viên đã trải qua khi mở lớp nơi đất khách, quê người, v.v. Bên cạnh những võ sư, huấn luyện viên đang trực tiếp hướng dẫn hàng triệu môn sinh ở khoảng 60 nước trên thế giới để phát triển phong trào thì cũng có không ít người âm thầm phục vụ cho môn phái bằng nhiều hình thức khác nhau. Tất cả những hoạt động đó nhằm giới thiệu một nét văn hóa Việt Nam, một quan niệm nhân sinh đến bạn bè khắp nơi, đồng thời góp phần giúp mọi người rèn luyện sức khỏe, trau dồi đạo đức, v.v. Làm sao có thể tả xiết biết bao tấm gương hy sinh, tận tụy “đồng lao cộng khổ“ vì sự nghiệp xây dựng và quảng bá môn phái. Và sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến tinh thần “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, bởi từ tinh thần đó mà nhiều môn sinh Vovinam đã cùng nhau hiệp lực, góp phần giúp đỡ một số đồng môn vượt qua bệnh tật để tiếp tục cuộc sống trên cõi đời này…
Sự kế thừa và phát triển nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam vừa nêu trên đã đan kết, hình thành nên một tình cảm đặc biệt - “tình Vovinam”. Và cũng từ tình cảm này mà tất cả đồng môn Vovinam đã cảm thông, đoàn kết, cùng siết chặt tay nhau vượt qua biết bao thách thức, gian khó để quảng bá môn phái rộng rãi như ngày nay. Có thể khẳng định, “tình Vovinam” chính là chất keo sơn tạo ra sức mạnh và là giềng mối của môn phái. Tất nhiên, để hình thành được “tình Vovinam” nơi bản thân mình, môn sinh phải trải qua một quá trình tập luyện đến nơi đến chốn chứ không phải tự dưng mà có được.
[caption id="attachment_168644" align="aligncenter" width="2592"] Giải vô địch Vovinam Thế giới lần 5, Ấn Độ 2017 - trước lúc chia tay. Ảnh: Lê Giang[/caption]Bên cạnh đó, lúc sinh tiền, Sáng tổ Nguyễn Lộc còn trao lại cho các môn sinh Vovinam một món quà rất lớn, đó là niềm tin vào các thế hệ đàn em. Ông khuyến khích đàn em phải “theo thời đại” và nhường quyền định đoạt tương lai cho hậu thế. Võ sư Lê Văn Phúc (tập Vovinam với Sáng tổ năm 1951 tại Hà Nội) từng thuật lại một số lời khuyên của Sáng tổ: “… Các chú phải thay đổi lề lối làm việc cho thích ứng với mọi hoàn cảnh, tân tiến mọi tổ chức để môn phái sau này khoa học hơn, mới mẻ hơn. Nếu các chú thấy được điều anh làm chưa hoàn mỹ, thì có bổn phận sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Phương pháp anh áp dụng còn thiếu sót thì các chú phải thay đổi cho hoàn bị hơn…(Vovinam Việt Võ Đạo, 1971, tr 76)”. Từ cổ chí kim, hiếm thấy được một tinh thần lãnh đạo quảng đại như Sáng tổ Nguyễn Lộc.
5. “Tình Vovinam” là một chắt lọc tinh tế trong quan hệ “đối nhân xử thế” của văn hóa Việt Nam. Là con người sống ở cõi vô thường này, chúng ta thừa nhận những khác biệt và bất đồng giữa các cá nhân là điều tự nhiên và không thể tránh khỏi. Nếu có bất đồng, trước tiên môn sinh Vovinam phải tìm cách hóa giải, nếu không hóa giải được thì phải để cho các đồng môn tự cường và còn có thể giúp đỡ anh em khi cần thiết. Đó cũng chính là thực hiện di chỉ Hòa ái của Sáng tổ Nguyễn Lộc: “Đố kỵ và tự cao, tự đại là 2 liều thuốc độc giết chết trái tim từ ái. Đó là điều tối kỵ với người học võ. Hãy yêu người để được người yêu và nể trọng mình, hãy hòa với mọi người để được mọi người tin và đối xử chân thành với mình. Đó là điều cốt lõi cho một tập thể ổn định, là nền tảng cho cả nhân loại đi đến hòa bình” (http://vovinam.phutho.vn/).
Từ những nhận xét vừa trình bày trên, Vovinam thực chất là một sự biểu trưng của cái đẹp và những nét tinh túy trong văn hóa Việt Nam qua võ thuật. Nói cách khác, Vovinam là sự hiện thân của tinh thần và giá trị con người Việt Nam cao đẹp. Vì thế, dù ở bất cứ góc trời nào, khi môn sinh tập luyện Vovinam, mặc nhiên đó chính là lúc họ tiếp nhận, nuôi dưỡng, và phát huy văn hóa Việt Nam vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng và rất tự nhiên.
Tiếp tục giải mã những yếu tố đã hình thành nên “tình Vovinam” tốt đẹp và làm thế nào để nuôi dưỡng tình cảm đó là một đề tài thú vị rất cần được nhiều môn sinh Vovinam cùng chung tay nghiên cứu và vun đắp.
Video: 75 năm hình thành và phát triển môn phái Vovinam - Việt Võ đạo:
https://www.youtube.com/watch?v=ZEKGF-LoXzQThiện Tâm & Lê Đức Hoà
Bài viết này đã in trong Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa võ đạo Việt Nam tại Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TPHCM ngày 25-12-2017.