Dư luận xoay quanh tên gọi "Kun Khmer" tại SEA Games 32 giữa Campuchia và Thái Lan đã trở nên nóng hơn khi Liên đoàn Muay Thế giới lên tiếng.
Theo thông báo trước đó, chủ nhà SEA Games 32 Campuchia đã tuyên bố sử dụng tên gọi "Kun Khmer" thay thế cho "Muay" ở môn võ đối kháng sử dụng các đòn đấm-đá-chỏ-gối, tạo nên tranh cãi lớn đặc biệt với quốc gia láng giềng Thái Lan.
Mới đây, chủ tịch Liên đoàn Muay Thế giới người Thái Lan - ông Sakchai Tapsuwan cho biết các nước ASEAN nếu vì giữ thành tích huy chương mà tham gia thi đấu Kun Khmer cũng sẽ bị liên lụy.
"IFMA đã gửi thư tới các nước trong khu vực ASEAN để cảnh báo rằng nếu họ tham gia (thi đấu Kun Khmer), họ có thể không được tham gia các sự kiện của IFMA, đặc biệt là Đại hội thể thao trong nhà Châu Á." - ông Sakchai nhấn mạnh.
Động thái trên diễn ra bên cạnh lời kêu gọi tẩy chay môn Kun Khmer tại SEA Games 32 của Thái Lan. Sự việc bắt đầu từ những tranh cãi về nguồn gốc của hai môn võ, xem đâu mới là khởi nguyên của hình thức võ thuật đối kháng này.
[caption id="attachment_267366" align="aligncenter" width="510"] Ông Sakchai Tapsuwan, chủ tịch IFMA bày tỏ thái độ cương quyết với kế hoạch tổ chức môn Kun Khmer tại SEA Games 32.[/caption]
Đáp trả lại lời cảnh báo từ chủ tịch IFMA, Tổng tư ký Ủy ban Olympic Campuchia Vath Chamroeun cho biết nước này sẵn sàng tẩy chay Muay Thái tại SEA Games 33 vào năm 2025 khi Thái Lan làm chủ nhà. Ngoài ra, ông Chamroeun cho biết theo quy định, chỉ cần có bốn quốc gia trong khối ASEAN gửi vận động viên tham dự, môn thể thao đó có thể diễn ra tại SEA Games.
"Hiện tại, Indonesia, Philippines, Lào, Myanmar và Malaysia đang có kế hoạch tham dự, vì vậy chúng tôi không quan tâm việc có một quốc gia quyết định không tham gia." - ông Chamroeun cho biết.
Vào ngày 26/1 vừa qua, Campuchia cho biết sẽ thay đổi cách thức, không công bố việc "thay thế tên gọi Muay Thái bằng Kun Khmer" mà chỉ tổ chức "môn võ tổng hợp Khmer". Dù vậy, nước này cho biết cũng không có dự định đưa Muay Thái vào chương trình thi đấu SEA Games 32.
Một trong những sự cản trở mà Kun Khmer tại SEA Games 32 phải đối mặt nằm ở việc chưa có liên đoàn quốc tế nào của môn võ này được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hay Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) công nhận. Do đó, chủ nhà Campuchia sẽ phải tìm kiếm một đơn vị có thể cung cấp lực lượng giám sát viên và trọng tài quốc tế để đảm bảo tính công bằng cho các trận đấu.
[caption id="attachment_267367" align="aligncenter" width="900"] Theo điều lệ tổ chức SEA Games, một môn thể thao được tổ chức thi đấu nếu có tối thiểu 4 quốc gia tham dự.[/caption]
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa thành lập đội tuyển thi đấu Kun Khmer mà chỉ có kế hoạch tập trung đội tuyển Muay và Kickboxing - hai môn có hình thức thi đấu tương tự Kun Khmer, đặc biệt là với các vận động viên môn Muay.
Với luật thi đấu tương đồng cho phép sử dụng các kĩ thuật đấm-đá-chỏ-gối để ghi điểm, các vận động viên Muay hoàn toàn có thể chuyển qua thi đấu Kun Khmer để đảm bảo mục tiêu giành huy chương tại SEA Games 32. Tuy nhiên, với lời cảnh báo nhắm tới trực tiếp các quốc gia của IFMA, kế hoạch tham dự SEA Games 32 của các nước sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tại SEA Games 31, Việt Nam đã giành 4 HCV, 6 HCB, 1 HCĐ với những ngôi quán quân thuộc về các võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất, Bùi Yến Ly, Bàng Thị Mai, Nguyễn Thị Phương Hậu. Đây cũng là kì SEA Games thành công nhất của đội tuyển Muay Việt Nam.
Theo Webthethao.vn
Liên đoàn Muay Thế giới cảnh báo các nước tham dự môn Kun Khmer ở SEA Games 32
2023-02-04 07:47:49