Người viết lên huyền thoại bất tử còn mãi với thời gian ấy chính là Võ sư Mùi Đen, đệ tử ruột của cụ Cử Tốn (Cử nhân võ học cuối cùng thời kỳ phong kiến ở Việt Nam). Trong lịch sử của môn phái Thăng Long võ Đạo, thì cụ Cử Tốn chính là ông ngoại của võ sư Nguyễn Văn Nhân - người sáng lập ra môn phái. Nhiều "bí kíp" độc đáo của môn phái Thăng Long Võ Đạo hiện này được kế thừa từ di sản võ học của cụ Cử Tốn. Do đó khi nhắc đến Thăng Long Võ Đạo, nhiều người sẽ liên tưởng đến tên tuổi của tay đấm huyền thoại này.
Truyện kể rằng, vốn có tố chất thông minh lại đam mê võ thuật, cụ Mùi Đen đã sớm theo cụ Cử Tốn học võ, trước là để rèn luyện sức khỏe sau là để đánh giặc.
Thời bấy giờ võ sư Mùi Đen được ví như người anh hùng bất khả chiến bại của bán đảo Đông Dương, khi không có đối thủ trong khu vực Đông Nam Á, các sới võ Campuchia, Lào, Thái Lan, Hồng Kông… không nơi nào không ghi dấu chiến tích của cụ. Thượng đài thi đấu,cụ Mùi Đen nhiều lần hạ gục đối thủ chỉ bằng một nắm đấm. Nhưng cuộc đời huy hoàng của võ sĩ này được nhiều người nhắc đến trong một giai thoại nổi tiếng làng võ. Mùi Đen là người duy nhất được lưu danh đánh một lúc chết hai con hổ ngay giữa lòng thủ đô trước sự chứng kiến của hàng trăm người. Chính giai thoại được truyền tụng trong làng võ Việt suốt hơn thế kỷ qua khiến tên tuổi của ông trở thành bất tử với hậu thế.
Tích xưa kể lại, cụ Cử Tốn do bí mật mở võ đường đào tạo các võ sinh nên thực dân Pháp sợ rằng đây chính là mầm loạn trong tương lai. Chính quyền thực dân nhiều lần nghĩ cách thu phục ông nhưng bất thành đành nghĩ kế hèn hạ nhằm hãm hại. Chúng ngang nhiên loan báo khắp Đông Dương, ai thượng đài đánh thắng được cụ Cử Tốn, người đó sẽ nhận được một khoản tiền hàng trăm đồng bạc Đông Dương. Thực chất hành động của bọn thực dân là kế "mượn tay giết người" một cách công khai.
Theo nhiều võ sư, những cuộc chiến mà Pháp đứng sau giật dây thường diễn ra theo cách tàn khốc nhất có thể. Bên cạnh võ đài luôn đặt sẵn một cỗ quan tài mây, trận đấu chỉ kết thúc khi một trong hai người bỏ mạng. Đa số những ai mắc kế giăng bẫy của thực dân Pháp chỉ có một con đường chết. Đơn giản, dù thắng võ sĩ này đồng nghĩa sẽ chấp nhận thi đấu với một võ sĩ khác. Đó là chiêu thức thâm hiểm của thực dân Pháp là "Dùng người Việt trị người Việt".Biết âm mưu của kẻ thù, cụ Cử Tốn và đệ tử Mùi Đen đã gặp nhau bàn bạc kế hoạch đối phó. Hai thầy trò quyết định diễn lại tích “Võ Tòng đả hổ” thời xưa và người được lựa chọn để đánh hổ không phải ai khác chính là Mùi Đen, học trò cưng của cụ Cử Tốn.
Hôm đó sau khi đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người hiếu kỳ cùng hàng trăm lính Pháp, ở sở thú Hà Nội, trong một ngày chủ nhật kín người.
Cụ Cử Tốn thông báo ý nghĩa của việc làm hôm nay. Tiếp đó, cụ Mùi Đen hùng dũng bước ra, theo sau là mấy chục người khiêng hai chuồng hổ. Trống nổi lên giục giã, hai con hổ lồng lên, gầm rú dữ tợn, nhiều người không đủ can đảm để chứng kiến sợ hãi bỏ chạy.
Mùi Đen bình tĩnh tiến thẳng lại chuồng hổ bên trái, nơi nhốt con hổ cụt đuôi nổi tiếng hung dữ sau đó tự tay mở cửa. Con hổ lao lên, hai bên bắt đầu quần nhau. Hổ lâu ngày bị giam hãm, nay được sổ lồng nên hung dữ gấp trăm lần. Còn Mùi Đen tỏ ra hết sức bình tĩnh.Sau một tiếng gầm kinh người con mãnh thú lao người về phía trước chồm lên người võ sĩ tay không tấc sắt. Nhanh như chớp, cụ Mùi Đen xoay người tránh được cú vồ đáng sợ của chúa Sơn Lâm, đồng thời tặng cho mãnh thú một cú đá ngàn cân vào bụng con hổ dữ, khiến con hồ ngã nhoài tức tối. Hổ dữ liền lao về đối thủ tấn công tới tấp với những cú tát trời giáng nhưng vốn có thân thủ phi phàm và võ công cao cường, võ sư Mùi Đen liền lùi lại phía sau đồng thời tặng cho mãnh thú một cú đấm cực mạnh vào đầu.
Thấy đối thủ dính đòn bị té nhào, biết rằng thời cơ đã tới, cụ Mùi Đen nhanh chóng tiến tới dùng tay trái siết chặt cổ con mãnh thú đồng thời dùng tay thuận chọc mù đôi mắt của chúa Sơn Lâm, tiếp đó dùng bàn tay thép chặt ngang yết hầu vốn là điểm yếu nhất của hổ dữ, khiến cho mãnh thú không thể phản kháng. Liền sau đó là hàng chục cú đấm thôi sơn giáng xuống đầu con cọp dữ, sau hơn hai mươi phút dính đòn, con hổ đói vỡ sọ mà chết.
Những tưởng sau khi đánh chết một con hổ, võ sĩ Mùi Đen phải nghỉ ngơi. Nhưng khi tiếng la hét chúc tụng của đám đông chưa dứt, Mùi Đen tiến lại chuồng hổ thứ hai. Con hổ lần này còn to và dữ hơn con trước, là một con hổ cái và đã hơn một tuần chưa có thức ăn.
Trận chiến lần này thậm chí còn diễn ra quyết liệt hơn lần trước gấp nhiều lần tuy nhiên sau một giờ giao chiến, phần thắng vẫn thuộc về võ sư người Việt, khiến cho người dân và cả bọn quan Pháp chỉ còn biết tái mặt và khâm phục.
Sau trận đấu, danh tiếng của võ sĩ Mùi đen càng nổi, anh hùng võ lâm vì thế mà khiếp vía không ai dám đến đăng ký thượng đài với cụ Cử Tốn. Bởi họ cho rằng học trò giỏi thế chắc chắn thầy càng giỏi hơn. Sau sự kiện này, phía Pháp cũng đành ngậm ngùi chịu thất bại về kế sách hèn hạ của mình. Chuyện về người anh hùng đả hổ chấn động Bắc kỳ đến nay vẫn chỉ là huyền thoại, nhưng Mùi Đen được giới võ thuật phong biệt danh là Hắc Hổ là có thật. Huyền thoại đả hổ có thể là một cách để ghi nhớ về tay đấm khét tiếng làng võ thuật một thời này.Hoài Phương