Nhắc đến giới 'võ lâm' Việt Nam, không thể không kể tên cụ Cử Tốn (1861 - 1949), người được những bậc lão làng hiện tại tôn sùng. Cụ Cử Tốn có nhiều giai thoại, hệt như Hoàng Phi Hồng của Trung Quốc, tinh thần thượng võ của cụ luôn song hành với tinh thần ái quốc, thương dân. Ông được xem là "Anh hùng xạ điêu" phiên bản Việt.
'Anh hùng xạ điêu' phiên bản Việt
Cụ Cử Tốn tên thật là Nguyễn Đình Trọng, người vùng Tây Hồ (Hà Nội) hiện nay. Ông sinh ra trong dòng họ võ tướng, 18 tuổi đã đỗ kỳ thi Hương (cử võ) sau đó cũng đoạt luôn ngôi đầu kỳ thi Hội (Phó bảng võ). Theo lời võ sư Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo kể, ngày đó vua Tự Đức cho tổ chức cuộc thi bắn cung Cửu Phụng trước Nghị Tiềm. Tham gia cuộc thi này đều là những võ tướng, nhân tài giỏi bắn cung nhất cả nước, bao gồm cụ Cử Tốn. Dù còn trẻ và chưa có kinh nghiệm ở những nơi đông người, trang nghiêm song cụ Cử Tốn đã rất bình tĩnh để bắn liền lúc 9 mũi tên đi trúng hồng tâm. Khả năng bắn cung chuẩn xác và cực nhanh của cụ Cử Tốn đã khiến tất cả, trong đó có vua Tự Đức phải nể phục. Sau đó, vua liền phong cho ông danh hiệu Xạ năng quán quốc.
[caption id="attachment_117553" align="aligncenter" width="500"] Cụ Cử Tốn.[/caption]Sau này, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chúng từng muốn thử thách cụ Cử Tốn bằng cách yêu cầu ông trổ tài bắn cung. Chúng chỉ lên ngọn cây nơi có nhiều con chim đang đậu, chỉ định cụ phải bắn trúng 1 con rồi sau đó rung cây, xong mới được bắn. Đáng tiếc chiêu trò này của thực dân Pháp không làm khó được cụ Cử Tốn. Khi lũ chim nháo nhác bay đi, cụ đã kịp bắn hạ con chim được chỉ định trước đó. Ngoài bắn cung, cụ Cử Tốn còn tinh thông võ thuật tay không cận chiến và tất cả các loại vũ khí. Trong đó, thương thuật của ông cũng đã đạt đến mức 'không đối thủ'.
Từ vụ cướp lương thảo đến âm mưu thâm độc của giặc Pháp
Sau này khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, cụ Cử Tốn lúc đó không còn làm quan mà đã lui về, mở lò võ từ lâu. Một lần, ông quyết định cùng các học trò đánh chiếm lương thực đang trên đường vận chuyển. Trong quá trình đánh nhau ác liệt, cụ Cử Tốn dính thương nặng ở chân rồi sau đó bị thọt. Thực dân Pháp sau quá trình điều tra, đã nghi ngờ lò võ của cụ Cử Tốn là những người ra tay cướp lương thảo. Nhưng do không có chứng cứ, đây lại là nơi hội tụ những nhân vật kỳ tài, quân Pháp coi lò võ của cụ chẳng khác nào cái gai trong mắt. Chúng tìm cách triệt hạ để Hà Nội không còn 'vườn ươm mầm hoạ'...
[caption id="attachment_117554" align="aligncenter" width="600"] Ông được ví như "Anh hùng xạ điêu" phiên bản Việt.[/caption]Bất lực, giặc Pháp viện đến một âm mưu quỷ quyệt, ấy là dùng giới võ lâm để triệt hạ lão võ sư 'cứng đầu' ấy. Chúng dựng võ đài, loan báo khắp Đông Dương rằng, võ sư nào đánh hạ được thày trò Cử Tốn thì sẽ được trọng thưởng Bắc Đẩu bội tinh và được trọng đãi hậu hĩnh sau này. Âm mưu ấy là vô cùng thâm hiểm, bởi sẽ gây cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn. Nham hiểm hơn, chúng nghĩ, ham mê danh lợi, nhiều người đã 'bỏ quên' tinh thần yêu nước, xoay mũi giáo vào chính... người nhà, quyết chí ăn thua.
'Sư phụ của Võ Tòng' tại Việt Nam
Hiểu rõ âm mưu ấy, cụ Cử Tốn rất đỗi phân vân. Thượng đài thì khác nào mắc mưu quân cướp nước, không thượng đài thì môn phái ô danh, quần hùng khinh rẻ. Sau cùng, cụ đã nghĩ ra được một kế sách vẹn toàn. Ngày ấy, ở sở thú Hà Nội có con hổ cụt đuôi, giống thú hoang dã này, càng những con có tật lại càng hung dữ. Con hổ to lớn, hễ thấy người là lồng lên, bổ nhào lên chuồng thép như muốn ăn sống nuốt tuơi. Cụ Cử Tốn muốn môn sinh của mình diễn lại tích 'Võ Tòng đả hổ' ngay trước mắt quần hùng để tạo thanh thế.
[caption id="attachment_117555" align="aligncenter" width="600"] Võ Tòng có lẽ cũng phải tôn Cử Tốn làm sư phụ[/caption]Người được cụ chọn sắm vai Võ Tòng là võ sư Mùi Đen, một đệ tử có thân hình vạm vỡ. Đúng hôm đăng đài, quần hùng tụ tập mấy vòng xung quanh cùng đám sĩ quan Pháp và bè lũ sai nha, cụ Cử mới nói rõ lý do tại sao lại thay màn tỷ thí võ công bằng màn đả hổ. Nghe cụ nói, tất thảy đều cúi đầu im lặng và nín thở chờ xem màn quần thảo mà mới đầu ai cũng cho là chơi dại ấy.
Sau một hồi trống rộn rã, hai chuồng cọp đã được mấy chục người khiêng ra, đặt ở hai đầu võ đài. Phía bên trái là chuồng con cọp đực cụt đuôi đang gầm lên những tiếng kinh hồn, bên phải là con cọp cái cũng đang nhe nanh, giương vuốt gầm gừ trông vô cùng dữ tợn. Mùi Đen thượng đài, trông vô cùng hùng dũng. Cứ thế, trước sự kinh hãi của mọi người, ông thủng thẳng vào mở cửa chuồng con cọp đực. Hai bên quần thảo vô cùng ác liệt, sau một giờ, bằng một đòn chí mạng, ông đã bẻ gãy cổ con mãnh thú khát mồi ấy.
Chẳng cần nghỉ ngơi lấy sức, túm gáy 'kẻ thua cuộc', ông vác sang chuồng con cọp cái. Lại một màn kịnh chiến kinh hoàng diễn ra. Và, cũng chừng ấy thời gian, con cọp cái đã bị ông bẻ gãy bốn chân, nằm phủ phục, rên những tiếng thảm thiết. Phía dưới, quần hùng không ngớt vỗ tay tán thưởng và nể cái trí, cái dũng của thầy trò cụ Cử, chẳng ai còn dám thượng đài nữa. Có người còn gọi võ sư Mùi Đen là 'sư phụ của Võ Tòng' vì một lúc đánh chết những 2 con hổ.
Còn đám thực dân Pháp thì được một phen muối mặt, rẽ đám đông đang hân hoan với những lời tán dương không ngớt, chuồn thẳng. Tuy nhiên vài ngày sau đó thực dân Pháp vẫn tiếp tục tổ chức lại võ đài. Theo Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo, Nguyễn Văn Thắng, giải đấu do thực dân Pháp đưa ra có luật lệ rất 'đơn giản': Đánh không có bảo hộ, đánh đến khi đối thủ gục thì thôi và người thắng sẽ lại tiếp tục đánh cho đến khi... gục. Cụ Cử Tốn đã cử những học trò mạnh nhất của mình như Tư Vá, Tư Côi, Mùi Đen, Văn Nhân (cha của Chưởng môn Văn Thắng) ra đi đấu. Ngày đó, người ta truyền nhau câu nói 'ba cái đấm của Tư Vá, một cái đá của Tư Côi' với hàm ý, không ai chịu nổi 3 cú đấm của Tư Vá và 1 cái đá của Tư Côi.
Cái chết của quan hai Pháp và âm mưu hèn độc
Cũng theo lời Chưởng môn Văn Thắng, cha ông là cụ Văn Nhân khi đó thượng đài đã lỡ tay đánh chết một viên quan hai Pháp và mọi chuyện bắt đầu tồi tệ. 'Nói là đánh trọng thương, thực ra ông cụ nhà tôi đã đánh chết luôn viên quan hai Pháp. Khi đó trước mặt dân chúng, thực dân Pháp không dám thẳng tay trả thù. Nhưng chúng chấm dứt giải đấu rồi lén lút tìm cách để tiêu diệt lực lượng bên ta. Cha tôi khi đó sớm biết nên đã trốn luôn. Cụ leo lên trên một ngọn cây cổ thụ, rồi đêm đến mới nhờ người liên lạc với gia đình gửi đồ và lương thực lên rồi đi lánh nạn.
Sau này, thậm chí gia đình tôi còn phải đổi họ (từ họ Vũ sang họ Nguyễn) để tránh sự truy lùng của giặc Pháp' - Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo kể. Không truy lùng được cụ Văn Nhân, giặc Pháp điên cuồng trả thù. Chúng đã tìm cách bắt giam cụ Cử Tốn, rồi chọc mù 2 mắt cụ. Nhưng những điều ấy chỉ làm giới võ lâm Việt Nam thêm tinh thần, hào khí để chống lại ngoại xâm.
Theo Tri trức trẻ