Văn hóa thứ bậc cùng áp lực giành huy chương khiến các học viên thường chỉ im lặng khi bị huấn luyện viên bạo hành, lạm dụng.
Zing trích dịch bài đăng trên AP của tác giả Yuri Kageyama, nói về những mặt tối của quá trình huấn luyện nghiêm khắc trong các trường dạy võ judo tại Nhật Bản.
Nhật Bản là quê hương của judo. Vì vậy, môn võ thuật này chắc chắn sẽ được người dân xứ Phù Tang quan tâm hơn bất kỳ môn thể thao nào khác tại Thế vận hội Tokyo diễn ra vào năm sau.
Tuy nhiên, danh tiếng của judo đã bị ảnh hưởng bởi hàng loạt cáo buộc về bạo lực và lạm dụng tình dục thời gian gần đây.
Trong vài thập kỷ qua, có hơn 100 trường hợp tử vong liên quan đến quá trình luyện tập, thi đấu môn võ này ở Nhật Bản. Một trong những nguyên nhân chính được cho là các phương pháp huấn luyện quá hà khắc.
[caption id="attachment_263636" align="aligncenter" width="1000"] Giáo viên nhắc nhở các học sinh của mình về sự an toàn trong một buổi học tại Hamana Dojo ở tỉnh Kanagawa. Ảnh: AP.[/caption]
"Đánh mất tương lai"
Yasuhiro Yamashita, người đứng đầu Liên đoàn Judo Nhật Bản, cho biết: "Tôi cảm thấy thật đáng buồn khi judo đang bị coi là cực kỳ nguy hiểm và Nhật Bản phải xem xét điều này một cách nghiêm túc".
Yamashita là một huyền thoại Olympic - người từng đoạt huy chương vàng Olympic, thành viên Ủy ban Olympic quốc tế, chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản. Ông thẳng thắn thừa nhận rằng các chấn thương nghiêm trọng thường xảy ra do bị trừng phạt trong quá trình huấn luyện.
Hệ thống phân cấp judo quốc gia cho biết đã tập trung khắc phục điều này suốt vài năm qua, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa.
"Vấn đề là thông điệp vẫn chưa đến được với mọi người ở cấp cơ sở", Yamashita nói.
Yamashita từng bị chấn thương nghiêm trọng ở chân trước khi giành huy chương vàng tại Thế vận hội Los Angeles năm 1984. Tập tễnh bước lên bục trao giải, ông đã nói về sự hấp dẫn của judo đến từ việc xây dựng cơ thể và tính cách của một người.
"Bạn chia sẻ niềm vui với đội của mình, tôn trọng đối thủ, học cách tự chủ. Bạn có thể học hỏi rất nhiều điều, không chỉ là thắng hay thua", Yamashita, người đứng đầu Ủy ban Olympic Nhật Bản từ năm ngoái, cho biết sau khi người tiền nhiệm từ chức trong một vụ bê bối hối lộ.
[caption id="attachment_263637" align="aligncenter" width="1000"] Từ năm 1983 đến năm 2016, 121 trường hợp tử vong có liên quan đến môn judo ở Nhật Bản. Ảnh: AFP.[/caption]
Judo, có nghĩa là "cách thức nhẹ nhàng" trong tiếng Nhật, nổi tiếng với việc sử dụng lực của đối thủ để tạo ra các cú ném và ghim.
Theo Hiệp hội Nạn nhân Tai nạn Judo Nhật Bản, từ năm 1983 đến năm 2016, 121 trường hợp tử vong có liên quan đến môn judo. Con số đó bao gồm các trường học, nhưng chưa tính những võ đường ngoại khóa vì không có dữ liệu.
Quá trình đào tạo judo thường được mô tả là "khó khăn và tình yêu" đã phải trả giá đắt. Năm 2019, một học sinh lớp 5 đã chết sau khi ngã đập đầu trong trận đấu. Trong một trường hợp khác, cũng vào năm ngoái, một học sinh lớp 4 đã bị thương nặng sau khi bị ném xuống sàn.
Ở Nhật Bản, judo không còn phổ biến so với các môn thể thao khác như bóng chày và bóng đá.
Michel Brousse, một chuyên gia về judo ở Pháp, tin rằng judo Nhật Bản "sẽ đánh mất tương lai" nếu không sớm tìm cách giải quyết vấn đề. "Không có quốc gia nào khác trên thế giới mà người học judo gặp nhiều chấn thương như vậy".
Brousse chỉ ra thêm một vấn đề khác của judo ở Nhật Bản. Đó là các giáo viên thường giỏi võ thuật, nhưng không giải quyết được các nhu cầu về thể chất và tâm lý của trẻ.
Lạm dụng tình dục
Năm 2011, Masato Uchishiba, người từng hai lần đoạt huy chương vàng Olympic, đã bị bắt vì tội tấn công tình dục một trong những học sinh của mình.
Ban đầu người này nói mình vô tội vì nạn nhân đồng thuận quan hệ tình dục. Tuy nhiên, anh ta đã bị kết án 5 năm tù sau đó.
Năm 2013, một tuyên bố ẩn danh của 15 nữ vận động viên judo Nhật Bản được dư luận quan tâm. Trong đó, hàng loạt bê bối bạo lực, quấy rối ở các trường dạy võ thuật bị vạch trần.
Một báo cáo gần đây của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về các cơ sở thể thao ở Nhật Bản, bao gồm judo, cho biết thiếu tiêu chuẩn để trừng phạt các huấn luyện viên lạm dụng. Vì những khiếu nại không được xử lý đúng cách và không có dữ liệu công khai về các báo cáo hoặc điều tra lạm dụng.
Noriko Mizoguchi, VĐV từng đạt huy chương bạc Olympic đang giảng dạy tại Đại học Thể dục Nữ Nhật Bản, nhớ lại trong thời gian dạy học ở Pháp, cô từng được các học viên gọi thẳng tên là "Noriko". Đây là điều không tưởng ở Nhật Bản - quốc gia có hệ thống cấp bậc cứng nhắc.
"Tại các lớp học judo của Nhật, một học sinh sẽ chỉ trả lời bằng tiếng hét 'Hai' (nghĩa là 'vâng') và không bao giờ dám xưng hô với người khác bằng tên", Mizoguchi nói.
Chính văn hóa đó khiến học viên gần như chỉ có thể chịu đựng một quá trình huấn luyện vô cùng hà khắc. "Đánh đập và quấy rối cũng trở thành một phần của phương pháp đào tạo này", Mizoguchi cho biết.
[caption id="attachment_263638" align="aligncenter" width="1000"] Áp lực giành huy chương và danh hiệu quá lớn khiến học sinh, phụ huynh chấp nhận cách đào tạo hà khắc của giáo viên, huấn luyện viên. Ảnh: Redactie.[/caption]
Lệnh cấm nhục hình (các hành vi sử dụng vũ lực hay áp lực gây ra đau đớn về thể xác) đã được ban bố thành luật ở Nhật Bản chỉ trong năm nay. Tuy nhiên, áp lực giành huy chương và danh hiệu là rất lớn. Thế nên, học sinh, phụ huynh thường chỉ im lặng và các huấn luyện viên lạm dụng không bị trừng phạt.
"Tôi cảm thấy mình phải lên tiếng để ngăn chặn bạo lực bởi vì tôi yêu judo. Chúng ta mới đi được nửa chặng đường và chắc chắn còn nhiều việc phải làm", Mizoguchi nói.
Keiko Kobayashi, đại diện của hiệp hội nạn nhân judo, nhấn mạnh rằng judo hoàn toàn có thể trở nên an toàn và lưu ý rằng không có một trẻ em nào đã phải chết vì môn võ này trong suốt 20 năm qua ở Mỹ, Pháp, Australia, Anh.
16 năm trước, con trai của Kobayashi đã xuất huyết não sau khi bị giáo viên trung học phạt bằng những cú giữ và ném của judo.
Lý do của hình phạt là nam sinh từ chối theo học ở một trường trung học thiên về thể thao mà giáo viên này giới thiệu. Hành động của thầy giáo sau đó được coi là một "tai nạn đáng tiếc".
Kobayashi nhấn mạnh cô không phản đối judo mà chỉ muốn xóa bỏ bạo lực trong môn thể thao này.
"Tôi ước rằng mình sẽ là người cuối cùng phải trải qua nỗi đau đó", cô nói.
Theo Zing.vn